Danh mục sản phẩm
0 - 27,550,000 đ        

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất?

Màn hình điện thoại có tai thỏ bắt đầu trở thành “mốt” khi Apple giới thiệu chiếc iPhone X vào tháng 10 năm ngoái. Hàng loạt các mẫu điện thoại Android sau đó đã sao chép kiểu màn hình này. Nhưng liệu Apple có phải là hãng đầu tiên tạo ra “tai thỏ”? Và nếu không phải thì vì sao Apple lại là hãng làm tốt nhất?

Các hãng đang đua nhau chạy theo xu hướng "tai thỏ" (ảnh: Engadget)

Các hãng đang đua nhau chạy theo xu hướng "tai thỏ" (ảnh: Engadget)

Trước hết, chúng ta cùng xem lại khái niệm tai thỏ. Đó là màn hình điện thoại mà phần trên cùng có một cái mấu màu đen (notch) tạo ra hai góc màn hình giống như tai thỏ (bạn có thể gọi là nó là "sừng bò" cũng không sai).

Khi hình ảnh iPhone X bị rò rỉ, đã có rất nhiều lời chê bai như “ôi chúa ơi, xấu kinh khủng”, “thiết kế ngu ngốc”. “Apple sao chép điện thoại Essential”...

Nếu không xét đến khía cạnh thẩm mỹ thì tai thỏ thực sự hữu ích bởi phần mấu đen là nơi chứa camera trước và các cảm biến. Vì thế, sẽ rất thú vị nếu chúng ta cùng tìm hiểu xem hãng nào đã tạo ra mấu đen và tai thỏ đầu tiên.

Ai đã làm tai thỏ trước?

Đây là một câu hỏi được nhắc đến khá nhiều khi mọi người thảo luận về tai thỏ. Và cái tên Essential cũng được đề cập đến rất nhiều, bởi mọi người nghĩ rằng chiếc điện thoại Essential ra đời năm 2017 là thiết bị đầu tiên có tai thỏ trên màn hình. Nhưng chúng ta đã “bé cái lầm”, chiếc Sharp Aquos S2 còn ra mắt sớm hơn Essential vài ngày!

Tai thỏ của Sharp và Essential

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất? - ảnh 1

Điện thoại Essential và Sharp Aquos S2 có đặc điểm thiết kế chung, phần mấu đen chỉ chứa camera trước. Mặc dù camera trước có thể đặt ở viền dưới của màn hình, nhưng đây không phải là một vị trí lý tưởng để người dùng chụp ảnh “tự sướng”.

Mẫu điện thoại có camera đặt ở viền dưới là Sharp Aquos Crystal. Người ta vẫn mệnh danh nó là "tổ tiên" của điện thoại không viền. Aquos Crystal ra mắt vào năm 2014 và nó là mẫu điện thoại có viền mỏng đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Tất nhiên để có được các cạnh viền mỏng thì Aquos Crystal đã phải hy sinh viền dưới. Kết quả là mẫu điện thoại này có viền dưới “to tổ chảng” và nó có thể chứa camera tự sướng, loa thoại và cảm biến.

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất? - ảnh 2
Sharp Aquos Crystal (ảnh: Engadget)

Thiết kế của Aquos Crystal đã khiến người dùng phải lật ngược điện thoại để chụp ảnh tự sướng, hoặc có nguy cơ ảnh chụp ra thấy mấy đầu ngón tay đi lạc, bởi vị trí camera nằm gần lòng bàn tay. Nhưng bất kể bạn đặt camera ở đâu, ở trên hay ở dưới, điện thoại vẫn phải có đường viền và mấu. Chỉ có một ngoại lệ là dòng Mi Mix của Xiaomi.

Tai thỏ của Apple

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất? - ảnh 3
Phần mấu đen của iPhone X chứa tới 7 thành phần linh kiện khác nhau để tạo nên camera TrueDepth hỗ trợ nhận diện khuôn mặt (ảnh: Phone Arena) 

Khi Apple cho ra mắt iPhone X vào năm 2017, nhiều người đã nhanh chóng chê bai và nói rằng Apple sao chép Essential và Sharp. Nhưng iPhone X không hề có "cái cằm" dày như Sharp, và mấu đen không chỉ chứa mỗi camera trước như Essential. Phần mấu đen của iPhone X chứa tới 7 thành phần khác nhau tạo nên camera True Depth, và phần tai thỏ hai bên vẫn chứa được những thông tin khác như dung lượng pin, ngày giờ, cột sóng Wi-Fi.

Vâng, Apple không phải là người đầu tiên làm “chuyện ấy”, thậm chí không phải là người thứ hai. Táo khuyết đã làm theo một cách thức riêng biệt, và bây giờ các hãng khác lại bắt chước theo. Apple đã từng sử dụng tai thỏ để quảng cáo cho iPhone X, nhưng chỉ là ở khía cạnh quảng cáo chứ không phải giới thiệu chức năng. Nhưng phần mấu đen mà Apple tạo ra hoàn toàn là để phục vụ chức năng chứ không phải để làm đẹp.

Phần lớn các nhà sản xuất thiết bị Android tạo ra mấu đen chỉ để bắt chước về mặt thẩm mỹ chứ không phải vì chức năng. Bởi họ không có nhiều thứ cần nhét vào phần mấu đen đến như vậy. Họ chỉ có camera trước, loa thoại, cảm biến tiệm cận và đèn LED thông báo.

Vì đa phần các mẫu điện thoại Android đều có viền dưới hơi dày, nên họ hoàn toàn có thể làm theo cách Xiaomi đã áp dụng với Mi Mix, đó là đặt camera trước ở viền dưới, nhưng không, họ lại thích sao chép Apple!

Đó là lý do vì sao Apple lại làm “chuyện ấy” tốt nhất. Apple không cho rằng mấu đen là phần viền ăn lẹm vào màn hình, mà ngược lại là phần màn hình chiếm chỗ của viền trên. Như vậy là màn hình được cộng thêm chứ không phải bị bớt đi. Apple không bao giờ dùng từ mấu đen (notch) mà họ luôn nhấn mạnh vào phần màn hình được cộng thêm ở hai bên mà chúng ta gọi là tai thỏ (hay sừng bò tùy bạn), đó là nơi mà Apple đã gọt bớt viền màn hình phía trên.

Điện thoại tương lai sẽ không viền, không tai thỏ

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất? - ảnh 4
 Chiếc Vivo Apex (ảnh Phone Arena)

Không còn nghi ngờ gì nữa, các mẫu điện thoại tương lai sẽ cố gắng loại bỏ cạnh viền và tai thỏ, nhưng hiện tại thì tai thỏ sẽ còn tồn tại thêm một thời gian nữa.

Nếu các hãng sản xuất điện thoại muốn loại bỏ cái mấu đen, đồng thời lại không muốn các đường viền dày, thì họ phải giải bài toán đặt camera trước ở đâu đó. Có nhiều cách để thực hiện, nhưng không có cách nào rẻ và chúng đều vấp phải những rào cản về kỹ thuật.

Hãng Vivo đã xử lý bài toán này khá tốt với chiếc Vivo Apex. Mẫu điện thoại này không có máy quét vân tay vật lý, thay vào đó nó đã được nhúng trong màn hình. Còn camera trước được gắn trong một kết cấu cơ học, nó chỉ nhô lên khi cần thiết.

Lịch sử của “tai thỏ”: hãng nào sao chép hãng nào và vì sao Apple làm tốt nhất? - ảnh 5

Kết cấu kiểu cơ học như thế này là cách tốt để loại bỏ phần mấu đen, nhưng nó lại phát sinh một số vấn đề khác. Cơ cấu "đêm bảy ngày ba, vào ra không kể" khi chụp ảnh “tự sướng” sẽ dễ bị hỏng hóc, gãy vỡ hoặc bị kẹt hơn là camera cố định.

Nếu một nhà sản xuất muốn có hai camera trước trở lên, chẳng hạn như trường hợp của Google Pixel 3 và Pixel 3 XL sắp tới, điều này sẽ làm phức tạp thêm giải pháp cơ học và tăng thêm chi phí.

Và đó là lý do tại sao mặc dù tương lai của điện thoại sẽ là không viền, không tai thỏ, nhưng phần mấu đen sẽ vẫn tồn tại đến khi nào các nhà sản xuất giải quyết được các vấn đề kỹ thuật và chi phí.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về lịch sử của phần mấu đen và tai thỏ. Chúng được sinh ra để phục vụ cho chức năng của điện thoại chứ không phải là thiết kế thẩm mỹ. Và mấu đen hay tai thỏ sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa, cho dù bạn thích nó hay ghét nó.
TIN TỨC KHÁC

Vui lòng đợi ...

Đặt mua sản phẩm

Xem nhanh sản phẩm